Những điều cần biết về bệnh học mụn trứng cá

Người dịch và Biên soạn: Nguyễn Thị Ngọc Huyền – Phòng nghiên cứu & phát triển – Công ty TNHH Thương Mại Giao – GIAO TRADING CO.,LTD

Mụn trứng cá là một trong những vấn đề mà hầu như mọi người ai cũng từng gặp phải, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên đang trong tuổi dậy thì.

Thông thường khi chúng ta gặp mụn có thể gặp nhiều loại mụn khác nhau, nhưng nhìn chung mụn có thể chia thành 2 loại: mụn viêm và mụn không viêm. Các trường hợp mụn viêm có thể gặp như: mụn bọc, mụn mủ, mụn nhọt, mụn đinh râu,… Các trường hợp mụn không viêm hay gặp như: mụn đầu đeb, mụn đầu trắng,…

Khi bạn gặp vấn đề về mụn thì khiến bạn rất đau đầu, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và có thể làm bạn dễ tự ti hơn.

Ở bài viết này, chúng mình sẽ tập trung vào cơ chế bệnh sinh: nguyên nhân, sinh bệnh học, chẩn đoán phân biệt để hiểu rõ hơn về mụn trứng cá để từ đó bạn lựa chọn liệu trình điều trị mụn phù hợp với bản thân nhé!

1. Định nghĩa

Trứng cá (acne) là bệnh da thông thường gây nên do tăng tiết chất bã và viêm của hệ thống nang lông tuyến bã.

Bệnh biểu hiện bằng nhiều loại tổn thương khác nhau như mụn cám, sẩn, sẩn viêm, mụn mủ, mụn bọc, nang…khu trú ở vị trí tiết nhiều chất bã như mặt, lông, ngực.

Hình ảnh minh họa mụn ở mặt
Hình ảnh minh họa mụn ở lưng
Hình ảnh minh họa mụn ở ngực

Khoảng 80% trường hợp trứng cá gặp ở tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt giai đoạn dậy thì.

Trứng cá không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tuy nhiên, do tồn tại dai dẳng, mụn, sẩn hay sẹo lồi, sẹo lõm ở vùng mặt ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống người bệnh.

2. Các nguyên nhân xuất hiện mụn trứng cá

Sinh lý bệnh học của mụn trứng cá

Mụn trứng cá được hình thành dưới tác động của 3 yếu tố chính. Đó là tăng sản xuất chất bã, sừng hóa cổ nang lông và vai trò của vi khuẩn Propionibacterium acnes.

Tăng tiết chất bã

Tuyến bã chịu sự điều tiết hoạt động của các hormon, đặc biệt là hormon sinh dục nam, các hormon này kích thích tuyến bã hoạt động và phát triển thể tích làm tăng bài tiết chất bã lên nhiều lần.

Sừng hóa cổ nang lông

Cổ nang lông tuyến bã bị sừng hóa làm ống bài xuất tuyến bã bị hẹp lại, chất bã không thoát ra ngoài được nên bị ứ đọng lại trong lòng tuyến bã, lâu ngày bị cô đặc lại hình thành nhân trứng cá.

Sự gia tăng hoạt động của vi khuẩn Propionibacterium acnes (P. acnes)

Bình thường P. acnes cư trú ở da một cách vô hại. Khi các lỗ nang lông bị ứ lại, các chất bã và tế bào chết sẽ tạo nên môi trường kỵ khí và P. acnes có thể phát triển, trở nên gây bệnh.

Một số yếu tố khác liên quan đến hình thành mụn trứng cá

a. Tuổi

Trứng cá thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, 90% trường hợp ở lứa tuổi 13-19, sau đó bệnh giảm dần, nhưng trứng cá có thể bắt đầu ở tuổi 20-30 hoặc muộn hơn, thậm chí tới tuổi 50-59.

b. Giới tính

Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, tỷ lệ nữ/nam gần bằng 2/1, nhưng bệnh ở nam thường nặng hơn ở nữ. 

c. Nội tiết tố

Chu kỳ kinh nguyệt và tuổi dậy thì cũng có thể gây ra mụn.

Ở tuổi dậy thì, nội tiết tố nam tăng mức độ gây ra sự mở rộng của nang lông tuyến bã và tăng sản xuất bã nhờn. Bất thường một số hormon sau đây có thể tăng sản sinh mụn trứng cá như nội tiết tố nam testosterone, dihydrotestosterone, dehydroepiandrosterone sulfat và insulin giống như yếu tố tăng trưởng 1 (IGF-1).

Trong những năm gần đây, sự phát triển của mụn trứng cá không phổ biến nhưng tỷ lệ mắc bệnh rosacea có xu hướng tăng với các triệu chứng tương tự ở nhóm tuổi lớn hơn.

Mụn trứng cá ở phụ nữ lớn tuổi có thể là do các nguyên nhân như: mang thai, hội chứng Cushing, rậm lông hoặc hội chứng buồng trứng đa nang.

d. Yếu tố thời tiết, nghề nghiệp, chủng tộc

Khí hậu nóng ẩm, hanh khô, đổ nhiều mô hôi, tiếp xúc nhiều với bụi bẩn hoặc làm việc trong hầm mỏ, tiếp xúc nhiều với dầu ăn bếp bốc hơi lên đều liên quan đến bệnh trứng cá; người da trắng và da vàng bị bệnh trứng cá nhiều hơn người da đen.

e. Yếu tố gia đình, di truyền

Di truyền có ảnh hưởng rõ rệt đến bệnh trứng cá. Theo Goulden, cứ 100 bệnh nhân bị trứng cá thì 50% có tiền sử gia đình.

f. Yếu tố tâm lý, stress, căng thẳng

Các nghiên cứu cho thấy mức độ căng thẳng gia tăng là liên quan đến tăng mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.

Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) đã chứng minh rằng căng thẳng có thể gây bùng phát mụn trứng cá.

Tại Singapore, đã có nghiên cứu chứng mình mối tương quan về mức độ căng thẳng của thanh thiếu niên và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.

g. Chế độ ăn

Các báo cáo đã chứng minh có sự tương quan giữa chế độ ăn với mức độ nghiêm trọng hình thành mụn trứng cá, đặc biệt là các sản phẩm có chứa đường.

Ví dụ: Chỉ nên ăn chocolate đen nhưng cần hạn chế các loại chocolate khác vì chúng làm tăng việc sản xuất các yếu tố trong hệ thống miễn dịch như interleukin-10 (IL-10), làm giảm sự phòng vệ của cơ thể, tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn làm mụn tệ hơn. Liều lượng cũng là vấn đề quan trọng, cần điều tiết lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều một loại.

h. Sử dụng thuốc

Một số thuốc làm tăng trứng cá, trong đó thường gặp là corticoid, isoniazid, thuốc có nhóm halogen, androgen (testosteron), lithium…

i. Một số nguyên nhân tại chỗ

Vệ sinh da mặt, chà xát, nặn bóp không đúng phương pháp và lạm dụng mỹ phẩm làm ảnh hưởng đến bệnh trứng cá.

3. Triệu chứng lâm sàng

Trứng cá thể thông thường (acne vulgaris)

Là hình thái thường gặp nhất của mụn trứng cá với các thương tổn rất đa dạng như sau:

– Bắt đầu từ tuổi dậy thì, trên nền da nhờn xuất hiện các tổn thương nhân trứng cá (comedon) hay mụn đầu đen do chất bã bài tiết và tế bào biểu mô cô đặc lại. Sau đó, tùy mức độ viêm nhiều hay ít, nông hoặc sâu mà có các tổn thương như mụn đầu đen, đầu trắng, sẩn, mụn mủ, mụn bọc hay ổ áp xe.
– Vị trí thường gặp là ở mặt, trán, cằm, má, phần trên lưng, trước ngực; ít khi xuống quá thắt lưng.

Các thể lâm sàng trứng cá nặng

Trứng cá dạng cục, dạng kén: hay gặp ở nam. Tổn thương sâu hơn mụn trứng cá thường và hình thành các kén có nguồn gốc nang lông. Ví trị thường gặp là mặt, cổ, xung quanh tai.

Trứng cá bọc (acne conglobata): là loại trứng cá mủ mạn tính, dai dẳng. Bắt đầu ở tuổi thiếu niên, có tổn thương dạng cục, hay để lại lỗ dò, luôn luôn để lại sẹo lõm.

Trứng cá tối cấp (còn gọi là trứng cá bọc cấp tính, trứng cá có sốt và loét): bệnh xảy ra đột ngột với sốt, mệt mỏi, tăng bạch cầu đa nhân, hồng ban nút và các tổn thương trứng cá.

Các thể lâm sàng khác

Trứng cá trẻ sơ sinh: xảy ra trong tháng đầu của trẻ sơ sinh. Tổn thương sẩn bằng đầu ghim ở tháp mũi, má, trán. Tồn tại 5-7 ngày.

Trứng cá do thuốc: do thuốc nội tiết, Azathioprin, thuốc có iod, thuốc tránh thai. Corticoid có thể gây trứng cá ở mặt, lưng, phía ngoài 2 cánh tay, thương tổn không có nhân.

Trứng cá muộn ở phụ nữ: gặp ở phụ nữ từ 30-40 tuổi, nguyên nhân do cường nội tiết sinh dục (nhất là buồng trứng), thường kèm theo rụng tóc.

Trứng cá do hóa chất: do mỹ phẩm, do các chất halogen (clor, brom, iod), do xăng, dầu (còn gọi trứng cá hạt dầu: thường ở vùng mu bàn tay, cẳng tay, không có nhân)

4. CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán xác định

Chủ yếu dựa vào lâm sàng: Mụn cám, sẩn, mụn mủ, mụn bọc, nang, tập trung chủ yếu ở vùng tiết nhiều chất bã như mặt, lưng, ngực; ít khi xuống quá thắt lưng.

Chẩn đoán phân biệt

  • Mụn trứng cá đỏ: thường được quan sát thấy ở tuổi trung niên hoặc muộn hơn
  • Viêm nang lông, nhọt: Có thể biểu hiện bằng tổn thương mụn mủ tương tự như mụn trứng cá.
  • Mụn thịt: Đó là những u nang sừng nhỏ có thể nhầm lẫn với mụn đầu trắng. Thường thấy nhất là xung quanh mắt.
  • Giang mai 2 dạng trứng cá
  • Dày sừng quanh nang lông
  • Á lao sẩn hoại tử

Phân độ trứng cá

Theo Karen McCoy (2008), bệnh trứng cá chia thành ba mức độ sau:

  • Mức độ nhẹ: dưới 20 tổn thương không viêm, hoặc dưới 15 tổn thương viêm hoặc tổng số lượng tổn thương dưới 30.
  • Mức độ vừa: có 20-100 tổn thương không viêm hoặc 15- 50 tổn thương viêm, hoặc 20-125 tổng tổn thương.
  • Mức độ nặng: trên 5 nang, cục hoặc trên 100 tổn thương không viêm, hoặc tổng tổn thương viêm trên 50 hoặc trên 125 tổng tổn thương.

Theo thang đo của Pillsbury: Mụn trứng cá được phân loại thành 4 mức độ nghiêm trọng: từ 1 (ít nghiêm trọng nhất) đến 4 (nghiêm trọng nhất).

Cấp độ và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá:

(i) Mụn trứng cá độ I; nhiều nhân mụn li ti mở.

(ii) Mụn trứng cá độ II; nhân mụn li ti đóng.

(iii) Mụn trứng cá độ III; sẩn mụn mủ.

(iv) Mụn trứng cá độ IV; có cả nhân mụn mở và đóng, mụn mủ, cộng với u nang

Tài liệu tham khảo

[1] HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH DA LIỄU (ban hành kèm theo Quyết định số 75/QĐ-BYT ngày 13/01/2015) – Bộ Y Tế

[2] Suva, M. A., Patel, A. M., Sharma, N., Bhattacharya, C., & Mangi, R. K. (2014). A brief review on acne vulgaris: pathogenesis, diagnosis and treatment. Research & Reviews: Journal of Pharmacology4(3), 1-12.

Trải nghiệm sản phẩm tại: GIAO TRADING CO.,LTD ; Bộ Trị Mụn GoodnDoc AC Control Blemish

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *